scroll top
Giáo dục Thể chất
[CẨM NANG SỨC KHỎE - Chương 10] Sức khỏe và thời tiết
viết bởi Admin
30201
4
12-02-2020
Mỗi mùa trong năm đều mang một vẻ đẹp riêng nhưng bên cạnh những sự thú vị mà mùa mang lại thì ở mỗi mùa, bạn sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe khác nhau

https://images.unsplash.com/photo-1490806843957-31f4c9a91c65?ixlib=rb-1.2.1&q=85&fm=jpg&crop=entropy&cs=srgb

Nhật Bản là một đất nước có 4 mùa rõ rệt

Sức khỏe đối với thời tiết

Mỗi mùa trong năm đều mang một vẻ đẹp riêng nhưng bên cạnh những sự thú vị mà mùa mang lại thì ở mỗi mùa, bạn sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe như mùa hè dễ cảm nắng, mùa đông cảm lạnh và ho thì mùa xuân, bạn có thể bị dị ứng phấn hoa, cúm... Để có thể chăm sóc sức khỏe của mình tốt nhất, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây.

Vào mùa xuân


https://images.unsplash.com/photo-1461727885569-b2ddec0c4328?ixlib=rb-1.2.1&q=85&fm=jpg&crop=entropy&cs=srgb

Nếu bạn thường xuyên bị dị ứng vào mùa xuân thì có lẽ là do dị ứng với phấn hoa. Vì thế lời khuyên của chuyên gia là bạn nên tránh hoạt động ngoài trời. Thời gian phấn hoa nhiều nhất trong ngày chính là khoảng thời gian từ 5 - 10 giờ sáng và từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Nhưng nếu công việc của bạn bắt buộc phải ra ngoài thì hãy đeo khẩu trang và kính mắt, mặc quần áo kín để hạn chế tiếp xúc với phấn hoa.

Đặc biệt những ngày trời trở gió là ngày mà quá trình thụ phấn có xu hướng cao hơn. Bạn nhớ đóng cửa sổ vào ban đêm và nếu có thể sử dụng thiết bị lọc điều hòa không khí trong nhà là tốt nhất.

Nếu không bị dị ứng, thì việc tập thể dục ngoài trời trong mùa xuân là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Tập thể dục ngoài trời sẽ mang đến cho bạn một tinh thần sảng khoái và tâm trạng tốt. Chọn những bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe và khả năng của bạn như đi bộ, đạp xe, chạy bộ... tránh những bài tập quá sức hay gây căng thẳng. Duy trì các bài tập hàng ngày, mỗi ngày từ 30 - 40 phút sẽ mang lại sức khỏe tốt cho bạn trong mùa xuân này.

Thực phẩm là yếu tố quan trọng góp phần cho một sức khỏe tốt. Vì thế đó là điều cần thiết để duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng, lành mạnh cho bạn. Mùa xuân cũng có những thực phẩm tươi ngon theo mùa và mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Bạn nên chọn những thực phẩm của mùa này để tận dụng được hết giá trị dinh dưỡng của nó trước khi mùa xuân quá đi, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho mình và người thân.

Mùa hè


https://images.unsplash.com/photo-1534815357825-3a557f0e4908?ixlib=rb-1.2.1&q=85&fm=jpg&crop=entropy&cs=srgb

Mùa hè là thời điểm phát sinh của rất nhiều căn bệnh như các bệnh nhiễm độc, nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, bệnh do côn trùng đốt, do nấm và ký sinh trùng… Do đó, ngoài việc có một sức khỏe tốt, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức để phòng tránh các căn bệnh trên. Các bạn cần chú ý, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để tránh sự xâm nhập của các nhân tố gây bệnh...

Thời tiết nắng nóng, oi bức của mùa hè dễ dàng dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu không nhận biết và xử trí kịp thời, rất có thể chúng sẽ để lại hệ quả nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng. Dưới đây là một vài vấn đề sức khỏe thường xuất hiện trong mùa hè và cách xử trí chúng.

  • Chuột rút

Chuột rút là một trong những triệu chứng bệnh mùa hè thường xuất hiện ở những người hoạt động nhiều dưới nắng nóng. Hiện tượng này gây co thắt đột ngột các nhóm cơ, khiến chúng cơ đau nhức và không cử động được. Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Mona Gohara, dược sĩ kiêm bác sĩ đa khoa tại Đại học Yale, New Haven (Mỹ) cho hay, mất nước là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này. Cách phòng tránh tốt nhất là uống nhiều nước để bổ sung chất điện giải. Đồng thời, bạn cũng cần có một chế độ ăn hợp lý, tránh các loại đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi điều độ.

  • Ngất

Ngất là hiện tượng thường gặp vào ngày hè. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cơ thể chưa thích ứng với nhiệt độ cao hoặc thiếu máu lên não do vận động đột ngột. Mất nước cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng trên. hiện tượng này làm bạn mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Khi gặp người bị ngất do nắng nóng, bạn cần đưa họ vào những nơi có bóng râm, kê cao chân và chườm mát. Ngay khi tỉnh, bạn cần cho họ uống nước ngay. Trong trường hợp người bệnh bất tỉnh và sốt cao, hãy đưa họ tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

  • Kiệt sức do nhiệt

Kiệt sức do nhiệt là hiện tượng phổ biến nhất trong số các vấn đề liên quan đến nhiệt. Chúng thường xuất hiện ở các vận động viên, những người leo núi, người có tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc người có sức đề kháng kém như trẻ em...

Kiệt sức do nắng nóng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nguồn nhiệt lớn, gây ra tăng thân nhiệt. Khi đó, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước lớn và nếu không bù đắp kịp thời sẽ dẫn đến sốc. Các biểu hiện của tình trạng này bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt, tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn, co cơ...

Nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn cần dừng ngay việc đang làm, tìm một nơi thoáng mát nghỉ ngơi, sau đó uống nước và chườm mát. Cởi bỏ trang phục không cần thiết hoặc tắm vòi sen cũng là những biện pháp hạ nhiệt hiệu quả bạn nên áp dụng. Tuy vậy, trong trường hợp nghiêm trọng, sốt cao, bạn sẽ cần tới sự trợ giúp của các chuyên gia y khoa.

  • Sốc nhiệt

Sốc nhiệt (say nắng) là hiện tượng nguy hiểm nhất trong số các chứng về nhiệt. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức. Hiện tượng này có nguyên nhân gần giống kiệt sức do nhiệt, thường xảy ra khi bạn hoạt động ngoài trời nắng lâu và không kịp bổ sung nước cho cơ thể. sốc nhiệt khiến hệ thống tuần hoàn ngừng hoạt động, bao gồm cả quá trình điều hòa cân bằng thân nhiệt. Các triệu chứng của hiện tượng này bao gồm: nhiệt độ cơ thể tăng cao, buồn nôn, tăng huyết áp, da ửng đỏ.

Khi thấy người bị say nắng, bạn phải khẩn cấp gọi cứu thương và cởi bỏ bớt trang phục trên người người bệnh để giúp họ giảm nhiệt. Nếu được điều trị đúng cách, cơn sốc nhiệt sẽ không để lại hệ quả nghiêm trọng gì.

Mùa đông


https://images.unsplash.com/photo-1528257861216-ccdaeb4e3f52?ixlib=rb-1.2.1&q=85&fm=jpg&crop=entropy&cs=srgb

Thời tiết lạnh và khô là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm cho con người, đặc biệt trong tình trạng môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm như hiện nay. Dưới đây là những bệnh thường gặp nhất trong mùa đông và cách để giúp bạn phòng tránh.

  • Cảm lạnh

Nếu gặp các triệu chứng như hắt hơi, nói ra bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì đích thị đó là khi bạn bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, khi bị nặng nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng. Đó là khi bạn đã mắc cảm lạnh sâu.

Bạn có thể phòng tránh cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn mà bạn có thể bị nhiễm từ việc chạm vào các đồ vật được sử dụng chung với những người xung quanh như công tắc đèn, tay nắm cửa…

  • Cúm

Cũng tương tự như cảm lạnh, cúm là một bệnh mà nhiều người dễ mắc trong mùa đông. Người ở độ tuổi từ 65 trở lên, phụ nữ có thai và người có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh thận và bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)… đặc biệt có nguy cơ tử vong khi bị cúm.

Cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm vắc xin. Thuốc chủng ngừa cúm bảo vệ tốt cho cơ thể chống chọi lại virut này và kéo dài được một năm. Nếu bạn trên 65 tuổi hoặc có tình trạng sức khoẻ mắc bệnh mãn tính, bạn nên tiêm vắc xin chống phế cầu khuẩn và phòng ngừa bệnh viêm phổi.

  • Viêm họng

Đau họng thường xảy ra vào mùa đông và phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus. Có một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ - ví dụ như đi từ một căn phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh giá - cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến cổ họng.

Một biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng để xử lý khi bị đau họng là súc miệng với nước muối ấm. Mặc dù nước muối không chữa được nhiễm trùng, nhưng nó có tính chống viêm và giúp làm dịu cổ họng đang đau rát.

  • Hen suyễn

Không khí lạnh là một trong những yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Do đó những người bị hen nên đặc biệt cẩn thận vào mùa đông.

Hãy ở trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy đeo khăn hoặc khẩu trang che kín mũi và miệng. Để cẩn thận hơn nữa, hãy tích trữ các loại thuốc thông thường và giữ thuốc dạng hít hoặc dạng xịt bên mình, đồng thời luôn chú ý giữ ấm để tránh bị bệnh suyễn tấn công.

  • Đau dạ dày do lạnh

Trong thời tiết lạnh, nhiều người thường bị đau dạ dày nhiều hơn so với bình thường. Trong khi chưa có phương pháp hữu hiệu ngăn chặn viêm loét dạ dày, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chăm sóc bản thân để tăng sức đề kháng.

Hàng ngày, hãy làm những việc khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng như tắm nước nóng, đi bộ trong công viên hoặc xem một trong những bộ phim mà mình yêu thích.

  • Đau khớp

Nhiều người bị viêm khớp cho biết khớp của họ trở nên đau đớn và cứng hơn vào mùa đông mà không rõ nguyên nhân. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết gây ra những tổn hại chung đến khớp.

Nhiều người bị trầm cảm nhẹ trong những tháng mùa đông u ám và điều này có thể làm cho họ cảm thấy đau đớn hơn. Tập thể dục hàng ngày có thể làm tăng trạng thái tinh thần và thể chất, trong đó bơi lội là cách luyện tập lý tưởng vì nó tác động trực tiếp lên các khớp một cách tích cực.

  • Đau tim

Các cơn đau tim cũng phổ biến hơn vào mùa đông. Điều này có thể là do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và gây nhiều áp lực hơn lên tim. Trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt của cơ thể khi trời lạnh.

Để tránh bị đau tim trong mùa đông, hãy chú ý giữ ấm cho căn nhà của bạn. Duy trì nhiệt độ phòng ở mức thấp nhất là 18 độ C và sử dụng bình nước nóng hoặc chăn điện để giữ ấm trên giường. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên mặc ấm khi đi ra ngoài, đặc biệt là phần đầu, cổ và tay chân.

  • Bệnh mề đay

Đây là bệnh về da phổ biến khi tiết trời trở lạnh, thường mắc phải ở cả người lớn và trẻ em. Thông thường, những người mắc bệnh này thường có cơ địa hết sức nhạy cảm. Do vậy, chỉ cần tiếp xúc với môi trường lạnh, đồ ăn - thức uống, mỹ phẩm không phù hợp cũng dễ dẫn đến nổi mề đay.

Biểu hiện thường thấy là sự xuất hiện những u mảng (dày hoặc mỏng) màu hồng hoặc đỏ nhạt trên da. Mề đay được chia làm 2 trường hợp: Cấp tính (phù nề, ngứa dữ dội trong một khoảng thời gian ngằn) và Mãn tính (cùng dấu hiện mẩn ngứa trong một thời gian dài, có thể ngắt quãng hoặc liên tục).

Trong trường hợp mề đay nhiều ngày không khỏi, bạn nên thăm khám cẩn thận để tìm được liệu pháp chữa trị thích hợp.

  • Bệnh á sừng

Hiện nay, á sừng trở thành loại bệnh phổ biến, thường gặp ở nữ giới. Biểu hiện của nó chính là: da bị khô, đóng thành từng mảng vảy, bong tróc; ban đầu thường xuất hiện ở đầu mỗi ngón tay chân, sau đó lan dần xuống các khớp, rồi cả bàn tay, bàn chân. Khi bị mắc căn bệnh này, người bệnh thường khó co duỗi tay, sinh hoạt khó khăn, chỉ cần nước hay mồ hôi tiếp xúc trên bề mặt vết thương cũng gây đau, xót.

Bệnh này rất khó để chữa khỏi, nếu đã bị thì suốt cả mùa đông hay hè cũng đều bị tróc vẩy, bong da. Nhưng vào mùa đông sẽ bị bong tróc nặng hơn, thậm chí rướm máu.

Khi gặp những dấu hiệu trên bạn cần giữ cơ thể sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm, thăm khám và xử lý vết thương theo chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Bỏng lạnh

Bỏng lạnh là tình trạng mô sống ở người bị đông cứng và bị tổn thương do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp. Bỏng lạnh thường gặp ở bàn tay, bàn chân, mũi, và tai; trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt bỏ phần tổn thương.

Bỏng lạnh có thể rất nghiêm trọng, các mô cần nhiều tuần để phục hồi, bệnh nhân có thể mất da, ngón tay, ngón chân, dị tật,... và có thể bị hạ thân nhiệt.

  • Dấu hiệu và triệu chứng của bỏng lạnh là gì?
    • Giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như: da lạnh, nhói đau, cảm giác bị kim châm, tê, xúc giác giảm hoặc đỏ da. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn này, người bệnh chỉ bị sưng nhẹ và tróc da.
    • Giai đoạn thứ hai của bỏng lạnh, da bắt đầu tái đi và chuyển sang màu trắng hoặc màu nhạt. Bệnh nhân có thể đau nhói, rát và sưng.
    • Giai đoạn cuối: Bỏng lạnh gây tổn thương ở tất cả các lớp da và phần mô bên dưới da. Người bệnh có cảm giác tê, mất tất cả cảm giác lạnh, đau hoặc khó chịu ở vùng tổn thương. Khớp và cơ cũng bị tổn thương và không còn hoạt động được nữa. Khi vùng da bị bỏng lạnh được làm ấm lại, các vết phồng rộp lớn xuất hiện sau 24-48 tiếng. Sau đó, khu vực này sẽ chuyển sang màu đen và cứng như các mô chết.
    • Ngoài ra những người tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài thì thân nhiệt bị hạ dẫn tới rối loạn ý thức, co giật, hôn mê thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người hút thuốc lá, người bệnh đái tháo đường hoặc bị các bệnh liên quan tới mạch máu, suy thận mãn tính… là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bỏng lạnh cao.
  • Nguyên nhân gây ra bỏng lạnh là gì?
    • Mặc quần áo không đủ ấm, không bảo vệ được cơ thể trước thời tiết lạnh, gió, ẩm ướt.
    • Tiếp xúc với đá lạnh, thực phẩm đông lạnh liên tục hoặc quá lâu.
    • Ở trong môi trường lạnh hoặc gió lạnh quá lâu, nguy cơ bị bỏng lạnh sẽ tăng cao khi nhiệt độ không khí giảm xuống dưới âm 150 độ C, thậm chí với gió không mạnh.
  • Cách sơ cứu khi bỏng lạnh:
    • Làm ấm vùng da tổn thương
      • Bắt đầu làm ấm vùng da tổn thương: Khi nhận thấy vùng da bị bỏng lạnh trên cơ thể (thường ở bàn tay, mặt, chân,..) lập tức kẹp bàn tay, ngón tay vào nách; nếu bỏng ở mặt và chân: áp bàn tay có mang găng tay khô lên mặt hoặc chân. Cởi bỏ quần áo nếu bị ướt, vì quần áo ướt cản trở sự tăng thân nhiệt.
      • Làm ấm vùng bỏng lạnh bằng cách ngâm vào nước nóng: Đổ nước ấm vào đầy chậu với nhiệt độ khoảng 40-42 độ C. Chú ý không được vượt quá mức trên vì nếu nước nóng hơn có thể gây phỏng và phồng rộp da.
      • Làm ấm vùng da không ít hơn 15-30 phút. Khi da đã tan băng, có thể bạn sẽ thấy đau dữ dội. Tuy nhiên, điều quan trọng là tiếp tục làm ấm da cho đến khi hoàn toàn tan băng. Nếu ngưng quá trình làm ấm quá sớm, có thể bạn sẽ bị tổn thương nhiều hơn.
      • Trong trường hợp bỏng lạnh nặng, bạn có thể phải làm ấm vùng da đến một tiếng đồng hồ.
    • Uống thuốc giảm đau nếu cần thiết
      • Nếu bỏng lạnh gây tổn thương nặng, việc làm ấm da có thể gây đau đớn cho bạn. Để ngăn ngừa tổn thương cũng như tránh sốc vì đau, bạn có thể uống thuốc giảm đau kháng viêm non steroid như ibuprofen. Không uống aspirin vì có thể khiến tổn thương của bạn lâu lành.
    • Ngăn ngừa tổn thương thêm
      • Tiếp tục tìm sự chăm sóc y tế, không làm vết bỏng nặng trở nên nặng hơn, không chà xát hoặc đụng vào phần tổn thương, hay tiếp xúc với vật lạnh một lần nữa.

* Chế độ sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bỏng lạnh:

  • Uống thật nhiều nước.
  • Làm ấm toàn bộ cơ thể.
  • Nâng cao vùng da bị bỏng lạnh sau khi làm ấm lại.
  • Cởi bỏ toàn bộ quần áo ẩm ướt càng sớm càng tốt.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Tái khám để tầm soát vết thương.

  • 10 Câu hỏi đọc hiểu

     

Câu 1. Vào mùa hè cần lưu ý những điều gì tránh ảnh hưởng tới sức khỏe?

  • [ A ] Nổi mề đay.
  • [ B ] Dị ứng phấn hoa.
  • [ C ] Chuột rút, sốc nhiệt.
  • [ D ] Bỏng lạnh.

Câu 2. Dấu hiệu triệu chứng bỏng lạnh?

  • [ A ] Da lạnh, nhói đau, cảm giác bị kim châm, tê, xúc giác giảm hoặc đỏ da.
  • [ B ] Bỏng lạnh, da bắt đầu tái đi và chuyển sang màu trắng hoặc màu nhạt. Bệnh nhân có thể đau nhói, rát và sưng.
  • [ C ] Người bệnh có cảm giác tê, mất tất cả cảm giác lạnh, đau hoặc khó chịu ở vùng tổn thương. Khớp và cơ cũng bị tổn thương và không còn hoạt động được nữa. Khi vùng da bị bỏng lạnh được làm ấm lại, các vết phồng rộp lớn xuất hiện sau 24-48 tiếng.
  • [ D ] Cả 3 câu trên đều sai.

Câu 3. Vì sao cơn đau tim lại thường diễn ra vào mùa đông?

  • [ A ] Do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và gây nhiều áp lực hơn lên tim. Trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt của cơ thể khi trời lạnh.
  • [ B ] Do thời tiết lạnh làm máu đông lại. Trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ.
  • [ C ] Do thời tiết lạnh làm hạ huyết áp và gây áp lực hơn lên tim.
  • [ D ] Do thời tiết lạnh làm rối loạn nhịp tim nên gây ra đau tim.

Câu 4. Vào mùa đông thường xảy ra những bệnh gì?

  • [ A ] Cảm lạnh, cúm, viêm họng, hen xuyễn, đau dạ dày do lạnh
  • [ B ] Hen xuyễn, đau dạ dày do lạnh, đau khớp, đau tim, bệnh mề đay, cảm lạnh, cúm, viêm họng, bệnh á sừng, bỏng lạnh.
  • [ C ] Đau khớp, đau tim, bệnh mề đay.
  • [ D ] Bệnh á sừng, bỏng lạnh.

       Câu 5. Viêm họng phần lớn là do đâu?

  • [ A ] Uống nước đá.
  • [ B ] Do nhiễm virus.
  • [ C ] Do hít nhiều bụi.
  • [ D ] Do cả 3 nguyên nhân trên.

        Câu 6. Khi gặp người bị ngất do nắng nóng, bạn cần làm như thế nào?

  • [ A ] Tìm một nơi thoáng mát nghỉ ngơi, sau đó uống nước và chườm mát.
  • [ B ] Cởi bỏ bớt quần áo.
  • [ C ] Tìm một nơi thoáng mát nghỉ ngơi, sau đó uống nước và chườm mát, cởi bỏ trang phục không cần thiết.
  • [ D ] Thoa dầu gió.

       Câu 7. Ngất là hiện tượng thường gặp vào ngày hè. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:

  • [ A ] Cơ thể chưa thích ứng với nhiệt độ cao.
  • [ B ] Mất nước.
  • [ C ] Thiếu máu lên não do vận động đột ngột.
  • [ D ] Cả 3 câu trên

       Câu 8. Khi gặp người bị ngất do nắng nóng, bạn cần:

  • [ A ] Thoa dầugió.
  • [ B ] Đưa họ vào những nơi có bóng râm, kê cao chân và chườm mát. Ngay khi tỉnh, bạn cần cho họ uống nước ngay.
  • [ C ] Ngậm kẹo.
  • [ D ] Uống nước đường.

       Câu 9. Hoạt động thể lực nào dưới đây có thể giúp phòng chống tăng huyết áp, chọn câu đúng?

  • [ A ] Nâng tạ 2 tuần 1 lần.
  • [ B ] Đi bộ 45 phút 1 lần/ tháng.
  • [ C ] Bơi 30 phút hàng ngày, đi bộ nhanh 30 phút ít nhất 5 lần trong tuần.
  • [ D ] Tất cả đều đúng.

        Câu 10. Các cách phòng tránh bệnh khi giao mùa?

  • [ A ] Tập thể dục thường xuyên, ăn đầy đủ chất và các nhóm dinh dưỡng.
  • [ B ] Tiêm phòng vaccine cúm, giữ vệ sinh cá nhân, nhà ở luôn sạch sẽ.
  • [ C ] Hạn chế ăn đồ lạnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
  • [ D ] Cả 3 đáp án trên đều đúng.
4 bình luận
Gửi bình luận
Vui lòng nhập nội dung bên dưới
Vui lòng check "Tôi đồng ý với Quy định và Thỏa thuận sử dụng khi bình luận."
HỌ TÊN BẠN*
LỚP
BÌNH LUẬN CỦA BẠN*