scroll top
Tủ sách Oden
Totto-chan bên cửa sổ
viết bởi R.Nguyen
27623
1
08-08-2019
“Totto-chan bên cửa sổ” là một cuốn sách hay mà tôi nghĩ rằng ai cũng nên đọc ít nhất một lần trong đời, tuy là thể loại sách viết cho thiếu nhi nhưng người lớn càng nên đọc vì những giá trị nhân văn và giáo dục mà sách mang lại.

Cuốn sách là tổng hợp một chuỗi những câu chuyện nhỏ của Totto chan với cách kể vô cùng tự nhiên, chân thật, ngộ nghĩnh về tuổi thơ đi học, mái trường Tomoe và thầy Kobayashi. Nó đồng thời là cuốn tự truyện của chính tác giả - bà Kuroyanagi Tetsuko – Totto chan là cái tên thân mật hồi nhỏ của bà, những nhân vật và câu chuyện, ngôi trường… xuất hiện trong sách thì đều có thật ngoài đời.

Totto chan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhỏ hạnh phúc, bố là nghệ sĩ chơi đàn vi-ô-lông, mẹ là vận động viên bóng rổ, trong nhà có nuôi một chú chó tên Rocky. Cô bé ấy vốn rất ngây thơ, hiếu động, ham khám phá, nhưng trong mắt nhiều người em bị coi là quá lạ lùng, khác biệt và trở thành “đứa trẻ hư”. Cũng vì lý do ấy mà khi mới 6 tuổi, Totto chan đã bị trường tiểu học cho thôi học, sau đó, mẹ của Totto chan đã chạy đôn đáo khắp nơi để tìm một ngôi trường phù hợp cho em. Đó là trường Tomoe, hiệu trưởng là thầy Kobayashi Sosaku, một ngôi trường vô cùng đặc biệt, lớp học được hình thành từ các toa tàu cũ, học sinh chỉ vỏn vẹn có 50 người, ai cũng đặc biệt như Totto chan, thậm chí có bạn còn bị khuyết tật. Ở trường không có thời khóa biểu cố định, học sinh được tự do học môn mình thích trước, môn nào không thích thì học sau, thầy cô chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc và giao bài tập cho học sinh. Ngoài việc học các em còn được vui chơi và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như cắm trại, tắm biển, suối nước nóng để các em gần gũi với thiên nhiên.

Thầy Kobayashi nói rằng: “Không được gò các em vào kế hoạch của cô giáo. Phải cho các em vui chơi thoải mái trong thiên nhiên. Ước mơ của các em còn lớn hơn kế hoạch của cô giáo”. Phương pháp giáo dục ấy xuất phát từ tình yêu đối với học sinh, lòng tâm huyết với nghề, luôn mong muốn các em được phát huy hết khả năng và bộc lộ cá tính của mình một cách thoải mái của thầy hiệu trưởng. Chính nhờ phương pháp ấy mà các học sinh trường Tomoe đều trở thành công dân tốt, thành đạt và có nhiều đóng góp cho xã hội. Cuối truyện, hình ảnh ngôi trường Tomoe từng là ước mơ, tâm huyết của thầy hiệu trưởng bị bom đạn tàn phá, chìm trong biển lửa, nó như một nốt nhạc trầm buồn của bản nhạc. Thầy Kobayashi đứng đó, mắt nhìn trăn trối cảnh ngôi trường đang cháy và hỏi cậu con trai mình tên Tomoe đứng bên cạnh: “Này, thế lần tới ta sẽ xây một trường thế nào?” Cảnh tượng ấy giống như mặt trời sáng bừng lên sau đêm đen, còn “lớn hơn ngọn lửa đang bao trùm ngôi trường kia nhiều”, người thầy ấy đứng trước mất mát, khó khăn nhưng vẫn mang theo sự kiên trì cùng niềm tin vào con đường giáo dục mà mình theo đuổi.

Đọc “Totto chan bên cửa sổ” tôi như thấy một phần nhỏ của mình trong đó, tuổi thơ cũng từng có những câu hỏi ngây thơ, ngốc nghếch, có những trò đùa tinh nghịch, từng bị nói là hư nhưng tôi không được may mắn như cô bé. Những câu hỏi của tôi thường được đáp lại bằng những cái cười trừ hoặc những câu trả lời đại loại như “ai mà biết được”, “hỏi linh tinh, vớ vẩn”, “lớn lên rồi biết”,… Còn những trò đùa nghịch ngợm hay hơi quái lạ một chút sẽ ngay lập tức bị dập tắt bởi những câu mắng mỏ, thậm chí là đòn roi của người lớn. Tôi cũng không có một người thầy có thể kiên nhẫn ngồi vài giờ đồng hồ để lắng nghe tôi nói.

“Totto chan bên cửa sổ” đã vẽ lại hình ảnh về một ngôi trường đáng mơ ước, một nền giáo dục và hình ảnh người thầy đáng mơ ước. Cuốn sách đề cao cách dạy dỗ từ gia đình đến nhà trường, người lớn cần phải lắng nghe, tin tưởng, ủng hộ những đứa trẻ, định hướng thay vì áp đặt và đặc biệt tôn trọng cá tính khác biệt của chúng.

Như lời thầy Kobayashi đã nói: “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra ‘phẩm chất tốt’ ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.” Mỗi chúng ta đều có những cá tính, tính cách, sở thích, năng lực khác nhau và quan trọng mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vì vậy luôn được là chính mình là điều tuyệt vời nhất.

1 bình luận
Gửi bình luận
Vui lòng nhập nội dung bên dưới
Vui lòng check "Tôi đồng ý với Quy định và Thỏa thuận sử dụng khi bình luận."
HỌ TÊN BẠN*
LỚP
BÌNH LUẬN CỦA BẠN*